Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Lâm Đồng - Dấu ấn một chặng đường

Thứ ba - 14/03/2023 21:29 866 0
             Cách đây 70 năm, ngày 15/3/1953 tại chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 147/SL quyết định thành lập Doanh nghiệp Quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam, chính thức khai sinh ngành Nhiếp ảnh, Điện ảnh VN với tư cách là một tổ chức Nhà nước. Tháng 7/2009, tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Bí thư Trung ương Đảng cho phép lấy ngày 15/3 là “Ngày Điện ảnh cách mạng Việt Nam”.
 

Dạ hội Điện ảnh với nhiều hoạt động văn hóa có ý nghĩa
 
             Cùng với nền Điện ảnh nước nhà, Điện ảnh Lâm Đồng cũng đã có 47 năm hình thành và phát triển. Tháng 8/1966 đội chiếu bóng khu 6 ra đời phục vụ bộ đội và quân, dân các vùng căn cứ, vùng tạm chiến với bộ máy chiếu 16mm, năm 1973, tại khu căn cứ Hòn Nga, huyện Đức Trọng, đội chiếu bóng số 2 ra đời . Trong kháng chiến các Đội đã tổ chức nhiều buổi chiếu phim phục vụ bộ đội và quân, dân du kích, tuyền truyền đường lối, chính sách của Đảng, động viên quân dân nêu cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng, góp phần mang lại thắng lợi chung.
            Theo đoàn quân giải phóng, cán bộ chiến sĩ các Đội chiếu bóng cùng với đoàn cán bộ được chi viện từ miền Bắc đã tiếp quản các cơ sở văn hóa của chính quyền cũ và tư nhân bỏ lại trên đường tháo chạy.
          Sau ngày 30/4/1975, dưới sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo khu 6 cũ, buổi chiếu phim cách mạng đầu tiên được chiếu tại trước Rạp 3/4 hiện nay. Những ngày đầu các Rạp chiếu bóng chưa hoạt động được vì thiết bị chiếu phim không có hoặc bị tháo dỡ một phần. Tại thời điểm này, chủ yếu là các đội chiếu bóng lưu động chiếu phục vụ nhân dân thị xã Đà Lạt , thị xã Bảo Lộc, các buổi chiếu phim luôn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân.
          Sau khi hợp nhất hai tỉnh Lâm Đồng và Tuyên Đức cũ, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ra quyết định số 83/QĐ-UB ngày 8 tháng 6 năm 1976 thành lập Quốc doanh chiếu bóng Lâm Đồng đánh dấu sự ra đời của Điện ảnh tỉnh Lâm Đồng. Trên cơ sở 03 rạp tại thành phố Đà Lạt và 04 rạp  tại các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Di Linh và Bảo Lộc, Quốc doanh chiếu bóng Lâm Đồng bước vào nhiệm vụ mới, vừa làm công tác tuyên truyền trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, vừa hoạt động doanh thu để bảo đảm chi phí hoạt động. Quyết định 693/QĐ-UB-CT ngày 17/11/1983 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc đổi tên Quốc doanh Chiếu bóng tỉnh Lâm Đồng thành Công ty Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh Lâm Đồng. Chức năng phát hành phim được bổ sung. Đến năm 1985, mạng lưới chiếu bóng tỉnh đã có 11 rạp, cụm rạp phục vụ dân cư các vùng thị tứ, 11 đội chiếu bóng lưu động tỏa khắp các thôn buôn, những đội chiếu bóng lưu động luôn là mũi nhọn xung kích hướng về cơ sở, phục vụ vùng sâu, vùng xa và vùng hẻo lánh, đem ánh sáng của Đảng đến từng buôn, làng, nâng cao dân trí và đáp ứng nhu cầu tinh thần của các dân tộc. Đây có thể coi là thời kỳ “Hoàng kim” của Chiếu bóng Lâm Đồng.

              Chuyển qua thời kỳ đổi mới, Điện ảnh toàn quốc nói chung, Điện ảnh Lâm Đồng nói riêng trải qua nhiều thăng trầm. Đại hội VI của Đảng – Nhiệm kỳ 1986 – 1990 tinh thần – tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của Đại hội là đổi mới tư duy mà tư duy kinh tế là chủ đạo. Quán triệt quan điểm đổi mới của Đảng các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương đều xây dựng đề án đổi mới. Trong đó ngành văn hóa thông tin mà trực tiếp là UBND tỉnh đưa ra Chủ trương phân cấp chiếu bóng về huyện quản lý. Riêng đối với cấp tỉnh được sát nhập với công ty phát hành sách và lấy tên là công ty Văn hóa tổng hợp. Sau lần đổi tên: Công ty Điện ảnh Lâm Đồng (năm 2002), và bổ sung, thay đổi chức năng, nhiệm vụ, bỏ chức năng kinh doanh, chuyển sang đơn vị sự nghiệp có thu. Tại thời điểm này Công ty Điện ảnh Lâm Đồng  đối diện với với những trào lưu xem phim mới: không xem phim tại rạp, thuê băng đĩa hình về xem tại nhà, xem phim bộ tại các quán cafe đã giảm đi lượng lớn khán giả đến với các Rạp. Trong khi đó, Công ty lại thiếu nguồn kinh phí để đầu tư máy móc, trang thiết bị chiếu phim, thiếu về nguồn nhân lực, phương tiện..v…v. Đòi hỏi những người làm công tác Điện ảnh Lâm Đồng cần nỗ lực rất lớn để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa, nơi khó khăn về kinh tế không có điều kiện được tiếp cận với các loại hình văn hóa, nghệ thuật. Nhưng sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ truyền thông đa phương tiện đã khiến cho Công ty Điện ảnh Lâm Đồng, một doanh nghiệp nhà nước không thể đứng vững trên đôi chân của mình. Chiếu bóng tỉnh nhà lại đứng trước những thăng trầm và chông gai trong hành trình đi tiếp con đường đã vạch ra.
             Để thay đổi mô hình hoạt động và đưa Điện ảnh Lâm Đồng vượt qua những khó khăn, Quyết định 3432/QĐ-UB ngày 02 tháng 12 năm 2005 của UBND tỉnh Lâm Đồng là cánh cửa mở ra một hướng đi mới, giúp cho hoạt động chiếu bóng tỉnh nhà tiếp tục duy trì và thực hiện nhiệm vụ, chức năng khi chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước Công ty Điện ảnh Lâm Đồng thành đơn vị sự nghiệp có thu: Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Lâm Đồng. Ngay sau khi chuyển đổi sang mô hình hoạt động mới, Trung tâm Phát hành Phim và Chiếu bóng Lâm Đồng đã xác định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ chính là phục vụ nhiệm vụ chính trị luôn được đặt lên hàng đầu còn song hành nhiệm vụ thu hỗ trợ cho các hoạt động chính của Trung tâm, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, góp phần nâng cao dân trí, và định hướng thẩm mỹ cho nhân dân. Hàng năm, Trung tâm luôn bám sát các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước giao để tổ chức các hoạt động Điện ảnh phục vụ nhân dân. Hoạt động Chiếu phim lưu động vẫn luôn là nhiệm vụ quan trọng và nổi bật của Trung tâm, với phương châm hướng tới vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để xóa các điểm trắng về phim ảnh. Thông qua Điện ảnh để tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, các ngày lễ lớn của dân tộc; Tuyên truyền phòng chống các tệ nạn xã hội, thực hiện nếp sống văn minh; Truyền bá kiến thức khoa học cho đồng bào. Mỗi năm các đội chiếu phim lưu động của Trung tâm đã thực hiện từ 540 buổi/năm trở lên và đều vươt chỉ tiêu được giao, số lượt người xem phim và nghe tuyên truyền khoảng 220.000 lượt người/năm. Bên cạnh đó, những năm gần đây Đơn vị cũng đã chú trọng tổ chức các hoạt động chiếu phim và tuyên truyền trong trường học, cơ sở giáo dục và trại giam. Số buổi chiếu và tuyên truyền đạt từ 60 - 70 buổi/ năm. Nội dung phục vụ là các tác phẩm phim truyện Việt Nam và tuyên truyền về Pháp luật; Phòng, chống tai nạn, tệ nạn,...
          - Chủ động đổi mới công tác tuyên truyền cổ động trực quan; nghiên cứu, đề xuất thực hiện xây dựng mới biểu mẫu Pano đã cũ, thiếu sáng tạo phục vụ tuyên truyền các ngày Lễ và sự kiện lớn của đất nước, của tỉnh. Tổ chức cuộc thi sáng tác các tác phẩm nghệ thuật, video và audio tuyên truyền, triển lãm tranh, ảnh, pano tuyên truyền, tờ rơi chủ đề về thành tựu kinh tế - xã hội, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương đất nước, tuyên truyền vận động, giáo dục tư tưởng,…theo định kỳ và vào các năm chẵn, kỷ niệm sự kiện lớn của đất nước, của tỉnh, của địa phương.
          - Sản xuất phim phóng sự, phóng sự tuyên truyền chuyên đề; biên tập xây dựng các nội dung tuyên truyền hàng năm : Phóng sự tuyên truyền chuyên đề, video clip tài liệu khoa học, lịch sử, văn hóa, nhu cầu đặt hàng của địa phương: 1-3 phóng sự/năm như ‘Hạnh phúc không của riêng ai’, ‘Sáng mãi phẩm chất bộ đội cụ Hồ’. Biên tập, xây dựng các nội dung tuyên truyền, tiểu phẩm tình huống: 35 - 45 nội dung/năm.
          - Đặc biệt đơn vị cũng đã bắt đầu xây dựng những chương trình đưa văn hóa về cơ sở thông qua Điện ảnh như: Dạ hội Điện ảnh; Hành trình văn hóa về cơ sở….
          Cùng với điện ảnh cách mạng nước nhà, Điện ảnh Lâm Đồng cũng không ngừng đổi mới, tìm ra những hướng đi phù hợp để bắt kịp với sự phát triển, hội nhập của xã hội. Với những nỗ lực cố gắng qua các thế hệ lãnh đạo, cán bộ công nhân, viên chức, nhiều năm qua ngành Điện ảnh Lâm Đồng đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước và của Ngành. Tiêu biểu, như: Cờ thi đua của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch năm 2010; Bằng khen của Bộ trưởng bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2007, 2008, 2016, 2021; Giấy khen của cục Điện ảnh năm 2008; Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng năm 2012, 2013,2014, 2017, 2021, 2022 và nhiều danh hiệu thi đua khác….
Tuy rằng trong những năm gần đây, cũng như nhiều tỉnh, thành trong cả nước, Điện ảnh Lâm Đồng đang còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với lòng yêu nghề, trách nhiệm với công việc, cán bộ, công nhân viên Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng đã và đang nỗ lực cố gắng, vượt qua những khó khăn để đưa điện ảnh đến với mọi tầng lớp nhân dân, thực hiện tốt nhiệm vụ phục vụ chính trị của Đảng và Nhà nước giao, xứng đáng là một đội quân xung kích trên mặt trận văn hóa, tư tưởng; mỗi cán bộ, viên chức của Trung tâm sẽ là một chiến sĩ trên mặt trận đó.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Quét Mã QR
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá website của chúng tôi như thế nào ?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập8
  • Hôm nay13,477
  • Tháng hiện tại86,757
  • Tổng lượt truy cập3,397,317
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây