Tháng 8/1966 đội chiếu bóng khu 6 ra đời phục vụ bộ đội và quân dân các vùng căn cứ, vùng tạm chiến với bộ máy chiếu 16mm; Năm 1973, tại khu căn cứ Hòn Nga, huyện Đức Trọng, đội chiếu bóng số 2 ra đời và được chi viện từ miền bắc XHCN 01 bộ máy chiếu 16mm của Ukraina (Liên Xô cũ).
Sau 30/4/1975, dưới sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo khu 6 cũ, buổi chiếu phim cách mạng đầu tiên được chiếu tại trước Rạp 3-4 hiện nay. Những ngày đầu các rạp chiếu bóng chưa hoạt động được vì thiết bị chiếu phim không có hoặc bị tháo dỡ một phần. Tại thời điểm này, chủ yếu là các đội chiếu bóng lưu động chiếu phục vụ nhân dân thị xã Đà Lạt , thị xã Bảo Lộc với những bộ phim cách mạng như: Đường về quê mẹ, Nguyễn Văn Trỗi, Con chim vành khuyên, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, .. được các tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng.
Sau khi hợp nhất hai tỉnh Lâm Đồng và Tuyên Đức cũ, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ra quyết định số 83/QĐ-UB ngày 8 tháng 6 năm 1976 thành lập Quốc doanh chiếu bóng Lâm Đồng. Trên cơ sở 03 rạp tại thành phố Đà Lạt và 04 rạp tại các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Di Linh và Bảo Lộc, Quốc doanh chiếu bóng Lâm Đồng bước vào nhiệm vụ mới, vừa làm công tác tuyên truyền trên mặt trận tư tưởng – văn hóa, vừa hoạt động doanh thu để bảo đảm chi phí hoạt động. Với sự quan tâm của cấp lãnh đạo tỉnh và trung ương, hoạt động chiếu bóng Lâm Đồng đã không ngừng lớn mạnh về chất và lượng. Quyết định 693/QĐ-UB-CT ngày 17/11/1983 của UBND tỉnh Lâm Đồng v/v đổi tên Quốc doanh Chiếu bóng tỉnh Lâm Đồng thành Công ty Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh Lâm Đồng. Chức năng phát hành phim được bổ sung. (Thời điểm này rạp chiếu bóng Thống Nhất được bàn giao cho cơ quan Du lịch tỉnh quản lý để tổ chức chiếu phim).
Đến năm 1985, mạng lưới chiếu bóng tỉnh đã có 11 rạp, cụm rạp phục vụ dân cư các vùng thị tứ, 11 đội chiếu bóng lưu động tỏa khắp các thôn buôn, phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của các tầng lớp ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ địa cách mạng, vùng đồng bào dân tộc ít người.
Sau lần đổi tên: Công ty Điện ảnh Lâm Đồng (năm 2002) và trước đó là Công ty Văn hóa Lâm Đồng (năm 1997) và bổ sung, thay đổi chức năng, nhiệm vụ, Công ty Điện ảnh Lâm Đồng đối diện với với những trào lưu xem phim mới: không xem phim tại rạp, thuê băng đĩa hình về xem tại nhà, xem phim bộ tại các quán cafe, từ thực tế này, đơn vị đã phải tổ chức nhiều hình thức kinh doanh nghe nhìn khác điện ảnh để bảo đảm doanh thu: Thu và phát các chương trình bóng đá quốc tế, karaoke… phục vụ công chúng. Nhưng sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ truyền thông đa phương tiện đã khiến cho Công ty Điện ảnh Lâm Đồng, một doanh nghiệp nhà nước không thể đứng vững trên đôi chân của mình. Chiếu bóng tỉnh nhà lại đứng trước những thăng trầm và chông gai trong hành trình đi tiếp con đường đã vạch ra.
Quyết định 3432/QĐ-UB ngày 02 tháng 12 năm 2005 của UBND tỉnh Lâm Đồng là cánh cửa mở ra một hướng đi mới, giúp cho hoạt động chiếu bóng tỉnh nhà tiếp tục duy trì và thực hiện nhiệm vụ, chức năng khi chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước Công ty Điện ảnh Lâm Đồng thành đơn vị sự nghiệp có thu: Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Lâm Đồng.
Cơ cấu tổ chức gồm:
- Lãnh đạo Trung tâm có Giám đốc và Phó Giám đốc.
- Các bộ phận, Đội Chiếu bóng lưu động miền núi và cơ sở thuộc Trung tâm:
+ Bộ phận hành chính-tổng hợp.
+ Bộ phận nghiệp vụ phát hành.
+ Rạp chiếu bóng 3 tháng 4.
+ 03 đội chiếu bóng lưu động miền núi.
Sau khi được sắp xếp tổ chức lại, với bộ máy tinh gọn, đội ngũ CB,VC lành nghề, đoàn kết, không ngại gian khổ, Trung tâm đã tổ chức hoạt động chiếu phim có thu phục vụ khán giả tại thành phố Đà Lạt, tổ chức chiếu phim lưu động và tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội, đối ngoại, phục vụ thiếu nhi, đồng bào dân tộc miền núi và lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh. Hoạt động của Trung tâm đã mang lại cho các tầng lớp nhân dân món ăn tinh thần bổ ích qua các tác phẩm điện ảnh chọn lọc, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người, thu hẹp mức hưởng thụ điện ảnh các vùng miền; phục vụ các nhiệm vụ chính trị, kinh tế văn hóa xã hội của địa phương. Và trên hết, cùng cả nước, cùng các binh chủng trong ngành văn hóa: xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó có điện ảnh.